Bộ Nội vụ nhận thiếu sót vụ đẩy giáo viên ra đường
9/5/2014
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trả lời báo chí xung quanh câu chuyện hàng trăm giáo viên bị đẩy ra đường ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong buổi họp tại UBND tỉnh Bắc Ninh sáng 9/5. (Ảnh: Văn Chung). |
Khó đặc cách một lúc trên 500 hợp đồng
Vấn đề đặc cách theo Nghị định 29 của Chính phủ về tuyển dụng viên chức, công chức cần hiểu như thế nào cho đúng, thưa ông?
- Việc đặc cách là một trong những hình thức tuyển dụng. Đây là một hình thức đặc biệt để nhằm thu hút được những người có trình độ, năng lực tham gia vào đội ngũ viên chức. Tuy nhiên ở trong trường hợp của Yên Phong khi có văn bản gửi sang thì xem xét đây là trường hợp khó gỡ. Đó là do 6-7 năm không tổ chức kì thi tuyển viên chức mà chỉ thực hiện ký hợp đồng lao động cho nên số lượng người ký hợp đồng lao động quá nhiều, trên 500 người.
Cho nên nếu xét đặc cách một lúc trên 500 người như vậy thì không còn chỉ tiêu để xét những người tốt nghiệp loại giỏi, loại khá – những người đủ điều kiện để xét tuyển vào viên chức thì họ sẽ thắc mắc. Việc ký hợp đồng lao động chỉ là giải pháp tình thế của địa phương.
Chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ với địa phương. Không thể dùng tình huống này thành cái phổ biến chung để làm mất đi cơ hội của những người đủ điều kiện khác muốn tham gia vào đội ngũ viên chức sau khi đã tốt nghiệp ĐH nhưng chưa được ký hợp đồng lao động. Đây là vấn đề mà chúng ta phải rất là cân nhắc.
Qua báo cáo của Vụ công chức viên chức, khi có văn bản hỏi của Sở Nội vụ Bắc Ninh thì Vụ đã mời lãnh đạo đơn vị này ra để trao đổi, thảo luận, bàn bạc. Trên cơ sở đó đề xuất với UBND tỉnh hướng xử lý.
Bộ Nội vụ có thiếu sót, Bắc Ninh phải rút kinh nghiệm
Đây cũng là thiếu sót của vụ Công chức – Viên chức khi chưa xử lý, giải quyết trả lời bằng văn bản. Đáng ra là phải trả lời bằng văn bản nhưng có thể Vụ đã chủ quan vì đã có trao đổi trực tiếp nên thôi, dẫn đến sự việc này. Về nguyên tắc khi Sở nội vụ hỏi dứt khoát phải trả lời bằng văn bản. Chúng tôi nhận thiếu sót về vấn đề này và đang yêu cầu các cá nhân liên quan kiểm điểm để có hình thức xử lý phù hợp.
Nói như Thứ trưởng ở trên nghĩa là những giáo viên hợp đồng lâu năm và có thành tích thì vẫn có thể xem xét đặc cách vào viên chức, thưa ông?
- UBND tỉnh, Sở Nội vụ cũng đã báo cáo: trong đợt tuyển dụng của Yên Phong cũng đã có 3 hình thức tuyển dụng. Một là tổ chức xét tuyển, thứ 2 là ưu tiên chính sách cho dành cho những người có công (3 trường hợp) và 85 trường hợp xét tuyển đặc cách.
Việc Bắc Ninh loại bỏ đối tượng đặc cách đối với những đối tượng hợp đồng lâu năm cần phải rút kinh nghiệm. Cần phải xét cái đối tượng đã được quy định ở điểm a, khoản 1 điều 14 Nghị định 29, những có thành tích trong công tác, có thâm niên công tác, có tuyển dụng có thể đáp ứng được ngay vị trí việc làm thì nên làm.
Những người làm bất cứ ở cơ quan nào, có đóng bảo hiểm xã hội, có thành tích trong công tác có thể đáp ứng được ngay yêu cầu trong công việc thì đều có đủ điều kiện để nghiên cứu xem xét xét đặc cách theo điểm a đó, không loại trừ đối tượng hợp đồng lao động. Đối tượng hợp đồng lao động có khi là còn tốt hơn vì họ đã quen với công việc.
Trong tuyển dụng viên chức công chức có khái niệm một số đối tượng thuộc diện lịch sử để lại. Theo ông, giải quyết những đối tượng thuộc lịch sử để lại chúng ta có thể phải vận dụng linh hoạt như thế nào để không gây ra bức xúc đối với các cá nhân có liên quan?
- Trong quá trình tuyển dụng viên chức phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật tuy nhiên phải tính đến điều kiện thực tế của địa phương, tính đến yếu tố lịch sử để đảm bảo khi giải quyết vấn đề có tình có lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là đối với đội ngũ các thầy cô giáo đang dạy trong các trường.
Như vậy trường hợp của Yên Phong làm đúng quy định nhưng chưa đầy đủ đảm bảo có tình có lý đúng không, thưa ông?
- Cái đó chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp để thứ nhất thống nhất về mặt nhận thức trong việc mọi người có đủ tiêu chuẩn đăng ký dự tuyển. Thứ hai chưa có giải pháp giải quyết tồn tại lịch sử để lại.
Nếu ông là người tuyển dụng trong trường hợp ở Yên Phong thì khi tuyển dụng ông nghĩ rằng sẽ sử dụng giải pháp nào nhằm đảm bảo có tình có lý và giải quyết được vấn đề lịch sử để lại?
- Tôi nghĩ hàng năm khi căn cứ vào nhu cầu từng cơ quan đơn vị phải có kế hoạch tuyển dụng để đáp ứng đủ, kịp thời người vào làm việc, tránh tình trạng phải ký hợp đồng tồn tại năm này sang năm khác để rồi khối lượng tồn đọng sau này giải quyết sẽ rất khó. Đây cũng là giải pháp để khắc phục được việc này mà Yên Phong có thể làm được.
Tuyển giáo viên nên thi thực hành
Với ngành đặc thù là giáo viên, Yên Phong chọn cách xét tuyển qua thi phỏng vấn. Theo ông giữa phỏng vấn và thi thực hành, phương pháp nào giúp tuyển được người thực sự có năng lực hơn?
- Không chỉ nội dung này mà những nội dung khác Bộ sẽ nghiên cứu để hoàn thiện các quy định cho chặt chẽ hơn, đảm bảo được chất lượng, khách quan, công bằng trong tuyển dụng viên chức
Giữa thực hành và phỏng vấn thì tôi nghiêng về thực hành hơn vì nó phản ánh ngay được trình độ, năng lực của người sẵn sàng đảm nhận khi đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Có nhiều ý kiến cho rằng nếu có bằng Thạc sĩ, Tiễn sĩ thì nên xét tuyển vào các nganh thuộc khối nhà nước thì hay hơn vì có khả năng và chuyên môn hơn, bởi vì những người có học vị cao hơn có khi lại không có khả năng đứng lớp tốt bằng những người có thâm niên đứng lớp nhưng lại không có học vị cao?
- Đối với quản lý nhà nước thì không yêu cầu học vị quá cao mà điều quan trọng là năng lực thực thi công vụ. Khi tuyển vào công chức thì thi năng lực thực thi công vụ được quan tâm nhiều hơn.
Ngoài Yên Phong chắc chắn sẽ còn có những nơi gặp vướng mắc tương tự, vậy chúng ta sẽ có tổng kết, khuyến nghị, tư vấn như thế nào cho các địa phương?
- Chúng tôi sẽ sớm xây dựng văn bản trong thời gian gần nhất, có thể trong tháng này để có văn bản gửi các bộ ngành địa phương để hướng dẫn, đôn đốc và có sự phối hợp. Đặc biệt đề nghị các địa phương khi có vấn đề vướng mắc để Bộ Nội vụ kịp thời có tổng hợp và hướng dẫn.
- Xin cảm ơn ông!
Văn Chung(ghi)
Các tin khác
- 5 học sinh trốn học đi lạc cả trăm cây số (9/5/2014)
- Ba học sinh Việt nhận học bổng du học Nga về hạt nhân (9/5/2014)
- 150 học sinh quỳ gối rửa chân cho cha mẹ (9/5/2014)
- Giáo viên bật khóc vì trường Lý Tự Trọng đột ngột giải thể (9/5/2014)
- Giải thưởng 30 triệu đồng cho sinh viên có ý tưởng ‘độc’ (9/5/2014)
- Trường bị tố dạy học sinh bằng nắm đấm (9/5/2014)
- Hiểu sâu, nhớ lâu nhờ bản đồ tư duy (9/5/2014)
- Đưa học sinh vào rừng thi giữa kỳ để tránh quay cóp (9/5/2014)
- Yêu cầu hát Quốc ca trong lễ chào cờ (9/5/2014)
- Cử nhân thất nghiệp tăng, thí sinh "né" đại học (9/5/2014)
- Giáo viên bật khóc vì cái chết bất ngờ (9/5/2014)
- Bộ Nội vụ nhận thiếu sót vụ đẩy giáo viên ra đường (9/5/2014)
- 261 giáo viên "bị ra đường" sẽ lên lớp hết năm học (9/5/2014)
- Nữ sinh Ngoại thương xinh đẹp đam mê xe côn tay (8/5/2014)
- Trò bị thầy đuổi ra khỏi phòng đã được thi lại (8/5/2014)
- 11 bài học để đời của người cha tài tử điện ảnh (8/5/2014)
- Mở chuỗi bàn tròn giáo dục Việt Nam tại Paris (8/5/2014)
- Sửng sốt khi xem tranh của thần đồng hội họa (8/5/2014)
- Cộng đồng mạng đổi avatar hướng về Biển Đông (8/5/2014)
- Bộ Nội vụ triệu tập lãnh đạo vụ để giáo viên ra đường (8/5/2014)