Previous Next
Bài giảng điện tử - bai giang dien tu

Bài giảng điện tử - bai giang dien tu

Bài giảng điện tử - bai giang dien tu tốt

Bài giảng điện tử - bai giang dien tu

Bài giảng điện tử - bai giang dien tu

Hỗ trợ giáo dục tối đa

Chơi trò may rủi với Bộ Giáo dục, hàng triệu người cầm lấy phần thua

Chơi trò may rủi với Bộ Giáo dục, hàng triệu người cầm lấy phần thua

(GDVN) - Đăng ký đại học giờ giống như chơi “đề”, vừa mất tiền đăng ký, vừa thấp thỏm chờ đợi nhưng hoàn toàn không biết “con đề” mình đánh có “ra” hay không?

Câu chuyện đăng ký xét tuyển Cao đẳng - Đại học năm 2015 với những thí sinh đạt kỳ thi quốc gia vừa qua đang thực sự đã trở thành gánh nặng cả về tâm lý lẫn kinh tế đối với hàng triệu người gồm cả thí sinh và người thân.

Với một đội ngũ hùng hậu các chuyên gia hàng đầu về giáo dục vốn được coi là nguyên khí quốc gia, vì sao không lường trước tình hình có thể xảy ra mà lại cứ làm việc theo kiểu được đến đâu hay đến đó?

Phải đến tận trường để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển mà chưa biết mình có được tuyển không, nếu không được tuyển phải rút hồ sơ chuyển sang trường khác, nếu trường khác cách xa trường cũ (nơi thí sinh bị loại) vài trăm cây số thì điều gì sẽ xảy ra?

Chiều 11/8/2015 Bộ GD&ĐT đã “thông cảm” với khó khăn của thí sinh bằng cách cho phép thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ đăng kí xét tuyển (ĐKXT) và nộp vào trường khác có thể tới Sở GD&ĐT địa phương hoặc tới các trường THPT do Sở GD&ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Mẫu nguyện vọng mới (mẫu 1) cho phép thí sinh được chọn 4 trường theo thứ tự ưu tiên (nếu kể cả nguyện vọng đầu tiên thì là 5 trường). Sau đó Sở GD&ĐT phải tổng hợp theo mẫu 2.

Đến đây sẽ xuất hiện tình trạng là mỗi Sở GD&ĐT địa phương sẽ phải gửi vài trăm công văn tới 422 trường Cao đẳng, Đại học, Học viện nơi thí sinh xin rút hồ sơ và nơi thí sinh xin chuyển đến.

Thí sinh hối hả tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015

Chỉ với đợt xét tuyển đầu tiên, trong thời gian từ 1/8 đến 20/8/2015, thí sinh có thể rút ra, gửi vào các trường không hạn chế số lần miễn là kịp thời gian và có … tiền để đi lại, ăn ở chầu chực.

Nhà giáo Văn Như cương đã có bài trả lời phỏng vấn trên Phunuonline.com.vn với tiêu đề: “Kỳ thi THPT Quốc gia thất bại hoàn toàn!”.

Thứ 4, ngày 12/8/2015 Đài Tiếng nói Việt Nam nêu câu hỏi: “Đổi mới mà sao khổ thế này?”, bài báo bình luận: “Sau khi biết điểm kỳ thi THPT Quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT đã dành cho các thí sinh 20 ngày để “ngắm nghía”, nghiên cứu để đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1.

Sự rộng rãi ấy của Bộ Giáo dục-Đào tạo tưởng đâu sẽ tạo điều kiện “ngày rộng, tháng dài” cho các thí sinh nhưng đây thực sự là một sự “tra tấn” tinh thần mà hàng nghìn gia đình thí sinh đang gánh chịu”. [1]

Ngay từ cách phân loại phòng thi đến công bố kết quả và nay là xét tuyển theo nguyện vọng, có điều gì đó không minh bạch, phản khoa học, dường như mọi hoạt động của kỳ thi cho đến nay đều không đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh và thí sinh. Tại sao lại như vậy?

 Thiết nghĩ có lẽ việc cần làm ngay của Bộ GD&ĐT là xem xét sự tồn tại của cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Cục Công nghệ thông tin của Bộ.

Người viết có cảm giác là cán bộ Cục Khảo thí hoàn toàn không biết thế giới ngày nay là thế giới công nghệ, là mạng Internet phủ kín toàn cầu.

Tại sao không cho phép thí sinh ngồi tại nhà đăng ký xét tuyển trực tuyến, nếu ở vùng sâu vùng xa thì có thể đến trường THPT nhờ thầy cô giúp đỡ, chẳng lẽ các trường THPT cũng không có máy tính hay là dù có cũng không được nối mạng? Một đơn vị quản lý cấp Bộ mà không biết sử dụng công cụ công nghệ thông tin thì giữ lại làm gì?

Đối với Cục Công nghệ thông tin thì tình hình lại khác. Một cán bộ Cục Công nghệ thông tin (xin không nêu tên) cho biết cục này không được phép tham gia xử lý dữ liệu. Vậy là nơi “không biết” thì được “biết” còn nơi “biết” thì lại “không được phép biết”.

Vấn đề xử lý thông tin tuyển sinh mang tầm quốc gia mà đơn vị chịu trách nhiệm về Công nghệ thông tin của Bộ không được tham gia thì cũng nên đặt câu hỏi về sự tồn tại của Cục này?

Căn cứ vào dữ liệu tuyển sinh, cả nước có 422 trường Đại học, Học viện và Cao đẳng đăng ký tuyển sinh năm 2015, thí sinh chỉ có thể chọn 1 trong 422 trường đó nếu không chuẩn bị phương án ra nước ngoài học tập.

Với 4 nguyện vọng mà hướng dẫn mới công bố, Sở GD&ĐT địa phương sẽ phải tổng hợp theo mẫu 2 để gửi cho các trường Đại học, Cao đẳng.

Người bình thường cũng có thể thấy ngay là các trường nhận được thông tin theo mẫu 2 sẽ không biết trường phía trên mình có tuyển thí sinh đó không, hệ quả có thể thấy trước là cả bốn trường đều gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh, nghĩa là số thí sinh ảo sẽ tăng gấp 3, 4 lần thực tế, vậy thì thí sinh sẽ nhận được bao nhiêu giấy báo nhập học “hợp pháp” trong khi năm 2014 việc gửi “giấy báo nhập học chui” bị cấm?

Đấy là chưa nói bao nhiêu công sức, tiền bạc mà các Sở GD&ĐT, các trường Đại học, Cao đẳng phải bỏ ra để “chữa cháy” cho chủ trương của Bộ.

Đa số người chơi trò may rủi như xổ số nhẹ thì mất tiền, nặng thì khuynh gia bại sản, với hai con số từ 00 đến 99 mà người chơi hầu hết là thua. Còn thí sinh và gia đình thì “chơi đề” không phải là với 100 phương án mà là với 422 phương án.

Có thể thấy không ít người chịu trách nhiệm của Bộ GD&ĐT giống như người chơi cờ chỉ biết sử dụng con Tốt, nghĩa là chỉ biết “dí tốt” từng bước một.

Khi bị dư luận chỉ ra khiếm khuyết thì “dí” một bước bằng các giải thích, hướng dẫn vội vàng như hướng dẫn đăng ký xét tuyển mới ban hành mà không hề để ý đến các bước tiếp theo.

Cần chú ý rằng các trường hoàn toàn có quyền nhận đủ, hoặc thừa một chút hoặc hoặc ít hơn một chút so với chỉ tiêu đã đăng ký với Bộ GD&ĐT, chẳng có “quy chế” nào bắt buộc các trường phải tuyển đủ chỉ tiêu.

Vì “danh tiếng” của trường, những năm trước thí sinh nguyện vọng 2 phải có điểm cao hơn từ 1 đến 2 điểm so với điểm xét tuyển vào trường mới được xét chuyển nguyện vọng. Hậu quả là dù đủ điều kiện và trường vẫn còn chỉ tiêu thì thí sinh vẫn chưa chắc chắn đã được tuyển chọn nếu đó không phải là nguyện vọng 1.

Mặt khác nếu cả 4 nguyện vọng mà thí sinh kê khai theo mẫu đăng ký mới vẫn không được xét tuyển trong khi vẫn đủ điểm xét tuyển vào trường khác nữa thì thí sinh sẽ phải làm gì? Chẳng lẽ lúc đó Bộ GD&ĐT sẽ lại “dí tốt” một lần nữa?

Cuối cùng thì cả thí sinh và gia đình họ chỉ còn cách cầu mong may rủi, giống như chơi “đề”, vừa mất tiền đăng ký, vừa thấp thỏm chờ đợi nhưng hoàn toàn không biết “con đề” mình đánh có “ra” hay không?

Nếu ngay từ khi đăng ký dự thi tốt nghiệp, thí sinh đã được đăng ký 05 nguyện vọng, Bộ GD&ĐT thiết kế một phần mềm xét tuyển thì sự việc không nặng nề như hiện nay. Ngôn ngữ giả tưởng cho phần mềm này là:

Nếu

“nguyện vọng 1” là “trượt” và nếu “vẫn còn nguyện vọng 2” thì

Chuyển nguyện vọng thứ n+1” thành “nguyện vọng thứ n”;  (1<= n <= 5 )

Lặp lại quá trình trên 05 lần

Còn nếu “nguyện vọng 1” là “đỗ” hoặc “hết nguyện vọng 2” thì

Kết thúc vòng lặp

Thông báo cho thí sinh “trường mà thí sinh trúng tuyển”

Hết nếu

Một khi có phần mềm xét tuyển và nó được kết nối với cơ sở dữ liệu tuyển sinh thì chỉ cần các trường thông báo số báo danh thí sinh theo nguyện vọng 1 mà trường đã tuyển, phần mềm sẽ tự động loại các thí sinh này khỏi danh sách xét tuyển.

Thiết kế một phần mềm như vậy có thể tốn kém một hai trăm triệu nhưng tiết kiệm cho xã hội hàng tỷ đồng, nếu Bộ đặt hàng thì ngoài Cục Công nghệ thông tin của Bộ, người viết tin rằng không thiếu công ty phần mềm sẽ rất mong muốn được “nhận thầu”.

Một kỳ thi không hề giảm sự tốn kém thời gian và tiền bạc cho thí sinh và phụ huynh, không minh bạch kết quả thi, thậm chí do “sĩ diện” một số trường đang không muốn công bố danh sách thí sinh trúng tuyển vì sợ lộ “điểm sàn” quá thấp. Đấy là chưa nói tình trạng “tranh cướp” thí sinh đã diễn ra khi có trường đã gửi giấy báo xác nhận trúng tuyển cho thí sinh…

 Tất cả sự lộn xộn này, không ai khác, chính là Bộ GD&ĐT mà cụ thể là người được phân công phụ trách và lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phải chịu trách nhiệm.

Cái “sĩ” của “ông đồ” thể hiện ở chỗ nếu không có kinh nghiệm, nếu chưa đủ năng lực thì xin làm việc khác, nếu gần đến tuổi thì nên xin về hưu sớm.

Không biết các “ông đồ” ngày nay có còn “đủ sĩ” để làm việc đó hay “sĩ diện’ chẳng bằng “sĩ ghế”?

Nguồn Giaoduc.net.vn

Các tin khác

captcha